Cá cơm khô Mỹ An


Sản phẩm cá cơm khô tại thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang được tiêu thụ mạnh tại nhiều thị trường trong và ngoài nước. Năm 2014, cá cơm khô Mỹ An đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ hội để sản phẩm được bảo hộ và vươn xa.

ĐẶT TOUR

Sản lượng chế biến hàng năm của địa phương lên tới trên 5.500 tấn với tổng doanh thu hơn 110 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 2.000 tấn với kim ngạch hơn 40 tỷ đồng.

Chị Cẩm Ly, một chủ cơ sở chế biến cá cơm tại thôn Xuân Bình cho biết khi cá được đánh lên còn tươi rói, đem về chế biến ngay nên chất lượng cao được thị trường trong nước ưa chuộng và gần đây đã xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...

Làng nghề đã giải quyết việc làm cho 620 lao động ở địa phương. Thu nhập bình quân của các hộ trong làng nghề đạt 100 triệu đồng/năm và người lao động mùa vụ có thu nhập 100 nghìn đồng/ngày công.

Mỹ An là xã ven biển của huyện Phù Mỹ phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Vùng biển Mỹ An dồi dào cá cơm, nhưng trước đây người dân chưa nghĩ đến việc chế biến nguồn lợi này để tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nghề chế biến cá cơm khô ở Mỹ An mới chỉ mới xuất hiện gần 10 năm nay. Trước đó có một hộ gia đình ở thôn Xuân Bình vào Khánh Hòa học hỏi cách chế biến cá cơm khô và khi học được họ nghề đã về truyền lại cho nhiều hộ cùng làm. Từ đó hình thành nên làng nghề chế biến cá cơm.

Nhiều loại cá cơm được thu mua để chế biến như cá cơm mồm, cá cơm than, cá cơm săn... Đặc sản cá cơm ở vùng biển Phù Mỹ có hương vị riêng và thơm ngon hơn ở nhiều địa phương khác.

Theo một chủ cơ sở chế biến cá cơm tại đây, bí quyết tạo nên chất lượng của cá cơm khô Mỹ An là cá cơm mới đánh bắt lên còn tươi rói, đem về chế biến ngay. Để có 1 kg cá khô cần 4 kg cá tươi.

Cũng tham gia làm cá cơm khô, ông Phan Văn Dũng cho hay, trong các sản phẩm của làng nghề sản xuất cá cơm khô Mỹ An, cá cơm mồm giá trị cao nhất. Giá cá cơm khô bình quân từ 80.000 đồng đến 150 ngàn đồng/kg
tùy loại; riêng cá cơm mồm khô giá lên đến 300 ngàn đồng/kg. Có giá trị cao là thế, nhưng 2-3 năm nay nguồn nguyên liệu ở địa phương giảm, nên hoạt động sơ chế của các cơ sở cũng bị hạn chế. Hiện xã Mỹ An có khoảng 20 cơ sở chuyên sơ chế cá cơm khô, trung bình mỗi cơ sở có 15 lao động. 

Theo ông Nguyễn Đông Cường, Trưởng Ban quản lý các cụm công nghiệp - làng nghề huyện Phù Mỹ: Hiện Mỹ An xuất khẩu khoảng 60% sản lượng cá cơm khô sản xuất ra, chủ yếu đến thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, còn lại tiêu thụ trong nước. Khi cá cơm khô Mỹ An được cấp giấy chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể là sản phẩm này được bảo hộ, tránh cạnh tranh “nhãn hiệu”, tăng uy tín khi tham gia xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Cang, Phó trưởng phòng Công thương huyện Phù Mỹ cho biết Ủy ban Nhân dân huyện đã quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Mỹ An giai đoạn 1, với tổng diện tích 6,5 ha để phục vụ nhu cầu sản xuất cho 24 hộ; giai đoạn 2 mở rộng thêm 5,3 ha giao cho số hộ còn lại có nhu cầu thuê đất.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn tài chính, nên các công trình hạ tầng tại cụm công nghiệp làng nghề này chưa tiến hành được và việc xây dựng tiêu chí làng nghề, thương hiệu sản phẩm cũng chưa được tính đến./.



© 2017 Du lịch phù mỹ . Thiết kế bởi Công ty ITO

Chat Zalo

Hotline: 0909922230
Chat Zalo
Gọi điện ngay