Kế hoạch và hành động của Du lịch Bình Định 2017 - 2020: Phát triển bền vững bằng sự độc đáo và tự nhiên


Định hướng của du lịch (DL) Bình Định ở chặng bứt phá 2017 - 2020 là phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2020 trở thành điểm đến DL hấp dẫn của Việt Nam và ASEAN; với TP Quy Nhơn là trung tâm DL và hội nghị khoa học quốc tế, cùng các sản phẩm DL độc đáo, khác biệt trên nền tảng giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và môi trường cảnh quan xanh, sạch.

ĐẶT TOUR

Kế hoạch và hành động của DL Bình Định 2017 - 2020:

Phát triển bền vững bằng sự độc đáo và tự nhiên

Định hướng của du lịch (DL) Bình Định ở chặng bứt phá 2017 - 2020 là phát triển nhanh và bền vững để đến năm 2020 trở thành điểm đến DL hấp dẫn của Việt Nam và ASEAN; với TP Quy Nhơn là trung tâm DL và hội nghị khoa học quốc tế, cùng các sản phẩm DL độc đáo, khác biệt trên nền tảng giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và môi trường cảnh quan xanh, sạch.

Mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm

Với tiềm năng DL sẵn có và những thành công bước đầu đã đạt được, Bình Định đặt ra các mục tiêu mang tính bứt phá nhằm đạt mục đích đến năm 2020 trở thành điểm đến DL hấp dẫn của Việt Nam và ASEAN. Một số mục tiêu nổi bật bao gồm: Khách DL đạt 6,8 - 8,0 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20 - 25%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 700 - 800 ngàn lượt, chiếm 10 - 12% tổng lượng khách DL. Thời gian lưu trú bình quân đạt 3 ngày/khách; chi tiêu khách quốc tế đạt 140 - 150 USD/người/ngày đêm; tỉ lệ khách quay lại lần 2 đạt 40 - 50%. Doanh thu DL đạt 4.000 - 5.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4 - 5% GRDP của tỉnh. Số phòng lưu trú đạt 7.500 phòng, trong đó khoảng 2.500 - 3.000 phòng đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên (trong đó có khoảng 800-1.000 condotel - căn hộ khách sạn). Phát triển khách sạn mini phục vụ DL quy mô 20-50 phòng; phấn đấu đạt 500 - 700 hộ gia đình tham gia dịch vụ DL homestay.

Theo đó, các mục tiêu chiến lược của Bình Định sẽ gắn với các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh triển khai, gắn với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực quản lý phát triển DL của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của DL; hoàn thiện cơ chế chính sách, gắn với cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Bình Định. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính theo hướng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư hạ tầng KT-XH và DL: đẩy mạnh triển khai các DA hạ tầng KT-XH, hạ tầng DL trọng điểm trên địa bàn tỉnh; mở rộng thị trường khách DL, gắn với đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ DL; tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống trong nước lẫn thị trường quốc tế; đẩy mạnh phát triển các thị trường mới như Đông Âu, Ấn Độ và Trung Đông; tiếp tục đa dạng hóa, gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm DL biển đảo, nghỉ dưỡng kết hợp DL văn hóa, DL trải nghiệm. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DL. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL, như tổ chức một số điểm cung cấp thông tin miễn phí, đường dây nóng, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng mạng xã hội trong quảng bá DL; tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển DL.Bên cạnh đó, là một tỉnh thuộc duyên hải miền Trung - địa bàn trọng điểm DL của cả nước, với nhiều điểm đến DL nổi tiếng và nằm trên bản đồ DL thế giới, như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)..., Bình Định cũng nhận thấy những bất cập, hạn chế của DL vùng: Phụ thuộc quá lớn vào thị trường truyền thống, trong khi thiếu chiến lược đa dạng hóa thị trường quốc tế, như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã phụ thuộc và chịu sự sụt giảm doanh thu lớn khi lượng khách DL Nga giảm mạnh do kinh tế khủng hoảng. Quản lý DL bị buông lỏng khi có sự tăng trưởng khách DL đột biến như Khánh Hòa, Đà Nẵng đã phải đối mặt với tình trạng tour chui, tour giá rẻ tràn lan làm giảm chất lượng dịch vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu khi lượng khách DL Trung Quốc tăng đột biến. Sự thiếu quan tâm tới cảnh quan môi trường như những điểm trừ của Nha Trang trong mắt khách DL với những bãi tắm còn nhiều rác, vi phạm vệ sinh môi trường. Sự thiếu quyết liệt và bền vững trong thu hút đầu tư hạ tầng DL như tình trạng bị thu hồi giấy phép của các dự án lớn (DA) ở nhiều tỉnh do sự buông lỏng, thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc thu hút và triển khai DA trên địa bàn. Đây sẽ là những bài học đáng giá để Bình Định nhìn nhận và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch đạt mục tiêu của mình.

Toàn cảnh Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT

Như vậy, trước hết, trong ngắn hạn, tỉnh Bình Định sẽ cần tập trung vào các giải pháp nhằm đẩy nhanh phát triển đầu tư, DL. Thứ nhất, cải cách hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết nhằm cải thiện vị trí của tỉnh trên bảng xếp hạng PCI, PAPI; đẩy nhanh tiến độ triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bình Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Quy hoạch khu Phật pháp Linh Phong”, “Quy hoạch khu đô thị khoa học”, thuê tư vấn nước ngoài đối với “Quy hoạch chi tiết khu DL quốc gia Phương Mai, Quy hoạch khu đô thị biển Quy Nhơn”.

Các giải pháp phát triển

Thứ hai, đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng: nghiên cứu triển khai module 2 cảng hàng không Phù Cát bằng hình thức xã hội hóa, đầu tư xây dựng cảng DL tăng công suất đón khách và đánh giá độ khả thi đối với cảng nước sâu Hải Giang, đồng thời thúc đẩy triển khai các DA hạ tầng trọng điểm như Khu phức hợp dịch vụ DL tại Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương; DA Khu DL biển Casa Marina Island…

Thứ ba, phát triển đa dạng các sản phẩm DL như phố thương mại - đi bộ đường Xuân Diệu, phố ẩm thực đêm, các khu vui chơi giải trí, sân golf, lập các kế hoạch xúc tiến DL trong và ngoài nước một cách bài bản, khoa học, có sự hỗ trợ 1 - 1,5 triệu USD từ ngân sách địa phương; tổ chức các lễ hội DL, festival võ thuật cổ truyền Bình Định hay DL trải nghiệm.

Hòn Ngang (thuộc DA Khu DL biển Casa Marina Island) nhìn từ nhà nghỉ homestay Big Tree ở Bãi Xép (KV1, phường Ghềnh Ráng - TP Quy Nhơn). Ảnh: N.V

Về dài hạn, các giải pháp đưa ra cần gắn với mục tiêu phát triển DL bền vững song hành cùng phát triển KT-XH toàn tỉnh: cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo hướng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý các cấp. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm DL, đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu DL Quy Nhơn - Bình Định, đặc biệt là các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý, các dịch vụ chuyên biệt, độc đáo. Tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không tạo điều kiện kết nối, liên kết DL vùng như tuyến QL 19 từ cảng Quy Nhơn đi Pleiku, đường cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn và các đường bay mới trong cả nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL đáp ứng nhu cầu thực tế với đề án nâng cấp trường Đại học Quy Nhơn trở thành trường đại học cấp quốc gia, cũng như tăng cường các khóa hướng nghiệp, đào tạo đại học và cao đẳng chuyên ngành DL.

Chặng đường phía trước có thể sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với nền tảng vững chắc, chiến lược cụ thể, định hướng rõ ràng, hành động quyết liệt từ trong nội tại và sự hỗ trợ, phối hợp mạnh mẽ từ bên ngoài, tham vọng vươn mình bứt phá trở thành điểm DL hấp dẫn của cả Việt Nam và khu vực ASEAN là khả thi và sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành DL nói riêng và KT-XH nói chung của tỉnh Bình Định.



© 2017 Du lịch phù mỹ . Thiết kế bởi Công ty ITO

Chat Zalo

Hotline: 0909922230
Chat Zalo
Gọi điện ngay